CƠ CỰC NGHỀ ĐÁNH BẮT CÁ CƠM ĐÊM

Cá cơm – nguyên liệu hảo hạng cho nước mắm

Ai cũng biết nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm Phan Thiết chính là cá cơm. Có rất nhiều loại cá cơm nhưng ngon nhất vẫn là cá cơm vàng ruột đỏ, cá cơm than và sọc tiêu. Mùa đánh bắt cá cơm thường diễn ra từ tháng tư đến tháng tám âm lịch hàng năm, trong đó cá cơm được đánh bắt vào tháng 8 âm lịch thường to béo và ngọt thịt nhất năm. Nước mắm được ủ bằng cá cơm đánh bắt vào thời điểm này cũng thường có hậu vị béo ngọt, đậm đà tuyệt vời hơn so với các tháng khác.

Những nỗi nhọc nhằn ít ai biết

Tuy nhiên ít ai biết được đánh bắt cá cơm là nghề mưu sinh lúc nửa đêm vô cùng cực nhọc, công việc đánh bắt cá cơm của ngư dân thường bắt đầu vào 2 giờ sáng. Giữa bầu trời tối mịt, tiếng động cơ của tàu cá vang rền cả bến cảng, cũng là lúc cuộc vật lộn của ngư dân với biển cả, để giành lấy những luồng cá cơm to béo và tươi ngon bắt đầu.

Hoạt động đánh bắt cá cơm thường diễn ra vào tối khuya, vì trong khoảng thời gian này, cá mới nổi lên mặt biển, các tàu đánh bắt mới có thể thuận lợi khai thác. Theo những ngư dân bám biển đã lâu, để tìm được luồng cá cơm thì phải dựa vào hướng gió và quan sát mặt nước biển. Nếu gặp những luồng cá thưa, các ngư dân chỉ cần vợt rồi xúc tay thật thanh thôi. Còn khi trúng những luồng cá dày thì ai nấy cũng đều phần khởi và hăng say, chuyển sang dùng ngay lưới cào để không con cá nào được lọt lưới.

Nguồn cá dần cạn kiệt

Vậy trúng luồng cá dày thì chắc bội thu lắm? Điều đó chỉ đúng với trước đây, lúc đó cá cơm nhiều vô kể, ban ngày cũng có thể đánh bắt được.
Nhưng những năm gần đây, đánh bắt cá cơm phải thức suốt đêm để canh do nguồn cá không còn dồi dào như trước. Theo kinh nghiệm của các ngư dân, trước 5h sáng thì cá cơm còn bơi lơ lửng giữa dòng nước nên không thể kéo được, vì khi thấy động, cá sẽ bơi khỏi lưới rất nhanh. Phải canh đúng lúc mặt trời vừa lên, cá sẽ bơi sát xuống đáy, gần chạm mặt lưới, đây là lúc để kéo lưới lên thật nhanh. Vì chỉ cần lệch một chút thôi là sẽ về tay không. Đây cũng chính là công đoạn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự cẩn thận.

Khi trời phía đông hừng sáng, thì cũng là lúc tàu kéo lưới lên. Lưới đã kéo đầy khoang, thuyền cũng nhổ neo chạy về bến, kết thúc một chuyến biển đêm vất vả. Tại đây, các ngư dân sẽ dùng những thanh gỗ bọc vải hoặc cao su đập vào lưới cho cá rơi xuống, ở dưới sẽ được hứng bằng những chiếc sọt to, sau đó được vận chuyển lên bờ cho các cơ sở sản xuất nước mắm.

Thu nhập bấp bênh

Thức trăng đêm với bao vất vả như vậy, nhưng nghề đánh bắt cá cơm lại có thu nhập rất bấp bênh, có khi còn chẳng đủ ăn. Những đêm công cốc, “trắng” lưới là chuyện bình thường. Một phần là do cá cơm là loài hoạt động thất thường nên việc đánh bắt cũng không mấy thuận lợi, dù vào đúng mùa cá cơm nhưng không phải lúc nào cũng được bội thu. Ngoài ra, do khu vực đánh bắt cá cơm thường có các tàu cá công suất lớn đi đánh bắt hải sản với loại lưới có mắt nhỏ và dày hơn. Sẽ khiến lưới cá cơm bị rách nếu bị vướng vào khi đánh bắt gần đó. Nhưng nỗi trăn trở lớn nhất của các ngư dân làm nghề đánh bắt cá cơm là “biển đói”. Nếu lúc trước cá cơm dồi dào và thường bị ép giá, thì hiện nay, nguồn cá cơm đang dần cạn kiệt. Dẫn tới việc đánh bắt không hiệu quả, không những vậy, việc tìm được “bạn thuyền” cũng hết sức khó khăn và khan hiếm.

Dù khó khăn chồng chất là thế, nhưng khi bán xong mẻ lưới cuối cùng cho các cơ sở sản xuất nước mắm, các ngư dân lại tất bật chuẩn bị cho chuyến biển đêm tiếp theo, có những năm được mùa trúng những luồng cá Nam béo, ngư dân vẫn ăn nên làm ra. Cá cơm vẫn là nguyên liệu chính cho nhiều ngành nghề miền biển như nghề chế biến cá cơm khô, cá cơm xuất khẩu, đặc biệt là nghề làm nước mắm. Hoạt động chế biến cá cơm phát triển vừa góp phần thúc đẩy kinh tế biển, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

Kết

Nghề cá cơm tuy cơ cực nhưng vẫn còn đem lại “vị ngọt” cho người dân vùng biển, là nguồn thu nhập chính của họ. Cũng chính những ngư dân đã góp phần làm nên vị đậm đà, thơm nức, béo ngọt của những giọt nước mắm rin nguyên chất suốt 300 năm nghề mắm tại làng chài Phan Thiết xưa và nay.